Phát triển bền vững hoặc chuyển đổi xanh trên cơ sở ESG đã và đang trở thành một trong những xu hướng chính cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Không nằm ngoài xu hướng này, ngành dược phẩm cũng đang dần chuyển mình để thích ứng với xu hướng phát triển xanh và bền vững
ESG (Environmental, Social, Governance) là một cách tiếp cận để đánh giá sự phát triển bền vững và có trách nhiệm với toàn cộng đồng của doanh nghiệp.
Đối với đa số các doanh nghiệp dược trên thế giới, ngoài mục tiêu đem lại giá trị chữa bệnh cho cộng đồng, các doanh nghiệp còn tập trung vào các yếu tố ESG để gia tăng khả năng đóng góp với cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như nâng cao sự quan tâm tới nhân viên, khách hàng.
Ở Việt Nam, các hoạt động Chuyển đổi xanh cũng đã bắt đầu được các doanh nghiệp dược tính đến nhưng chưa triển khai trên diện rộng.
Theo FPT Digital, chỉ số ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Những chỉ số này được tạo ra nhằm hướng các tổ chức và doanh nghiệp vượt ra ngoài phạm vi mục tiêu lợi nhuận, tham gia vào chương trình rộng lớn hơn về khí hậu, con người và quản trị. Mục tiêu cuối cùng là hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn nhưng không gây tổn hại tới môi trường và cộng đồng.
ESG đã tác động rất mạnh mẽ đến ngành dược phẩm trên thế giới và làm thay đổi cách thức sản xuất và tiếp thị sản phẩm ra công chúng. Trước đó, có rất nhiều mối lo ngại ngày càng tăng trong ngành, bao gồm biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận thuốc, định giá thuốc, …
Những xu hướng kinh tế vĩ mô này ảnh hưởng đến tương lai của các công ty dược phẩm trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ESG nổi lên là xu thế bắt buộc đối với các doanh nghiệp dược để kiểm soát các yếu tố kể trên.
Trong đó, các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới như Fisher & Paykel Healthcare và AstraZeneca đã dành riêng các nguồn lực để đảm bảo phát thải carbon âm trong tương lai gần (Acma, 2022).
Một ví dụ khác có thể kể đến như việc các công ty trên hỗ trợ các loại thuốc cần thiết cho các quốc gia nghèo và đang phát triển nhằm giúp cứu sống hàng triệu người.
Cũng theo ACMA, ESG cung cấp cho các công ty dược phẩm lợi thế cạnh tranh về mặt kinh tế và xã hội so với các đối thủ khác. Khi đánh giá các chính sách ESG, người ta cũng có thể dự đoán mức độ thành công của một doanh nghiệp trong tương lai.
Một ví dụ điển hình về điều này là trong khu vực Bắc Âu, các cuộc đấu thầu đã có tiêu chí ủng hộ việc sản xuất và vận chuyển thuốc một cách thân thiện với môi trường.
Mô hình này đã thúc đẩy khái niệm chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm bằng cách đặt ra các tiêu chí cho việc vận chuyển xanh trong ngành dược phẩm.
Cách tiếp cận mới thúc đẩy sản xuất và vận chuyển dược phẩm sạch đã giảm thiểu hơn 21% lượng khí carbon dioxide tại các nước Bắc Âu (Acma, 2022).
Các quỹ tín thác mua sắm chung cho bệnh viện tại Na Uy (Sykehusinnkjøp) đã yêu cầu chứng nhận môi trường về cung ứng và sản xuất xanh như một tiêu chuẩn cho ngành dược phẩm.
Với cách làm này, tuy chi phí có thể tăng trong lĩnh vực y tế nhưng Hội đồng khiếu nại mua sắm công (KOFA) đã xác định rằng về tổng thể, hậu quả môi trường sẽ ít hơn nhiều.
Trong tương lai gần, Na Uy hướng tới mục đích đảm bảo không phát thải carbon (net-zero carbon) trong quá trình vận chuyển. Các công ty lớn như AbbVie cũng thúc đẩy tiêu chí ESG bằng cách đặt mục tiêu cung cấp 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2035.
Cùng với sáng kiến này, AbbVie đã tự quảng bá mình là một công ty phát triển bền vững bằng cách đảm bảo trả lương công bằng cho mọi giới tính và sắc tộc tại công ty của họ.
Điều thú vị là với những thay đổi này, AbbVie vẫn cam kết tiếp tục cung cấp giá cả phải chăng cho tất cả các loại thuốc của mình bằng cách giới thiệu các chương trình hỗ trợ thanh toán cho các đối tác và khách hàng (Defeudis, 2022).
Amgen trong năm 2022 cũng đã giới thiệu mô hình Chuyển đổi xanh của mình với khoản trái phiếu trị giá 750 triệu đô la cho các dự án môi trường khuyến khích giao thông sạch và năng lượng tái tạo (Acma, 2022)
Các công ty khác như Teva, Merck và Pfizer đều đang thiết lập Quỹ trái phiếu xanh để đảm bảo rằng công ty của họ đang thực hiện mạnh mẽ ESG để tạo ra tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp dược phẩm lớn cũng đã bắt đầu có những hành động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trên các khía cạnh sản xuất và kinh doanh khi đã có giải pháp cụ thể để tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải carbon vào môi trường, v.v.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao sức khoẻ và trách nghiệm xã hội đến với cộng đồng như tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí, tài trợ viện phí cho người hoàn cảnh khó khăn, v.v.
Tuy nhiên, vẫn có một số lượng doanh nghiệp dược phẩm quy mô vừa và nhỏ chưa nhận thức được lợi ích của Chuyển Đổi Xanh và tiêu chuẩn ESG. Vì vậy, việc chia sẻ thông tin và tăng cường nhận thức để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được giá trị kinh tế và xã hội của việc thực hiện các biện pháp bền vững là một thách thức cần được vượt qua.
Một trong những thách thức khác đối với các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam là chi phí đầu tư ban đầu để thực hiện Chuyển Đổi Xanh. Việc đầu tư vào công nghệ xanh và quy trình sản xuất thân thiện môi trường đòi hỏi sự đầu tư lớn, đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức tài trợ.
Xu thế chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững dần trở thành yếu tố bắt buộc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dược phẩm. Các công ty trong ngành cần đóng vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo trách nhiệm xã hội và cải thiện quản trị doanh nghiệp.
Để đảm bảo được một lộ trình bền vững, các giải pháp, chiến lược chuyển đổi xanh cần được đánh giá và triển khai một cách bài bản cùng với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm.
Chia sẻ:
© Bản quyền thuộc về Giải pháp Công nghiệp | Cung cấp bởi Bizweb